Lò luyện thi đến hẹn lại “bát nháo”(Dân trí) - Chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ thi đại học, tại Đà Nẵng, các lò luyện thi đến hẹn lại bát nháo với đủ kiểu quảng cáo chiêu sinh. Đáng nói, nhiều lò không hề có tên trong danh sách các cơ sở được Sở GD-ĐT cấp giấy phép hoạt động.Mùa thi gần kề, các lò luyện tại Đà Nẵng ra sức tung quảng cáo, thông báo chiêu sinh. Đủ chiêu quảng cáo Dạo một vòng quanh tìm các trung tâm, cơ sở luyện thi đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng, đặc biệt khu vực xung quanh các trường THPT và đại học, khảo sát sơ bộ cũng có đến hơn 20 cơ sở thông báo chiêu sinh luyện thi đại học với đủ thông điệp quảng cáo "có cánh" như: đội ngũ giáo viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, uy tín, chất lượng, giảm học phí, phòng học thoáng mát, giảng viên kèm sát từng học sinh (HS), không đậu không tính tiền học phí Trong vai phụ huynh tìm hiểu ghi danh cho em ở quê chuẩn bị ra Đà Nẵng trọ luyện thi Đại học, tại trung tâm luyện thi Minh Phát trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng), chúng tôi được giới thiệu có đủ các lớp luyện thi sáng, chiều, tối cho tất cả các khối thi. Học phí trung bình từ 300 - 500 nghìn đồng/tháng cho mỗi môn một tuần 3 buổi học. Trung tâm này mạnh dạn quảng cáo “các lớp luyện thi do các tiến sĩ, thạc sĩ giáo viên giỏi có kinh nghiệm, tâm huyết..., là nơi có uy tín và tỉ lệ đậu cao nhất hiện nay”. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, trung tâm này lại không hề có tên trong danh sách các trung tâm, cơ sở dạy thêm được Sở GD-ĐT cấp phép Không có trong danh sách các điểm đã được Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động, Trung tâm này vẫn mặc sức thông báo chiêu sinh. Trên các trang mạng quảng cáo, rao vặt, nhan nhản thông báo chiêu sinh của một trung tâm luyện thi có tên DANIEN và DA.NI.EN. Trung tâm này thông báo chiêu sinh dạy thêm từ lớp 1 đến lớp 12. Đặc biệt, thông báo chiêu sinh lớp 12 luyện thi đại học, chủ trương không thi đậu không thu học phí. Trung tâm này đảm bảo với phụ huynh và thí sinh bằng hợp đồng dân sự đàng hoàng chỉ khi thi đậu đại học mới nhận tiền học phí. Học phí cho một sĩ tử thi đậu đại học trọn gói khá "choáng": 50 triệu đồng. 9 trung tâm, cơ sở luyện thi được Sở GD-ĐT Đà Nẵng cấp phép: 1. TT Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Thành Đạt 2. TT Bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân 3. TT Bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Kính Vạn Hoa 4. TT BDKT và LT Nguyễn Hoàng 5. TT BDKT và LT Dân trí 6. TT BDKT và LT Gia Minh 7. Cơ sở BDKT Quang Minh 8. Cơ sở dạy thêm Olympia 9. Các lớp dạy thêm tại cơ sở K23/37 Lê Hữu Trác, Sơn Trà |
Theo tìm hiểu thực tế của PV, trung tâm này chỉ mới khai trương cơ sở trên đường Trần Cao Vân (TP Đà Nẵng) được vài tháng nay và không hề có tên trong danh sách các điểm được Sở GD-ĐT Đà Nẵng cấp phép. Phụ huynh, thí sinh cần tỉnh táo Trước lời đảm bảo "Không đậu đại học không thu học phí" của các trung tâm luyện thi, phụ huynh và thí sinh dễ có tâm lý trung tâm phải tự tin vào chất lượng lò luyện mới dám mạnh miệng như vậy. Nhưng nếu tỉnh táo phân tích thì với mức học phí cao như vậy (50 triệu đồng/người), chỉ cần vài sĩ tử thi đậu, trung tâm đã hời to. Thử phân tích một lớp luyện thi như vậy, trả lương giảng viên mỗi môn trung bình 10 triệu/người/tháng, 3 môn là 30 triệu. Và chỉ hơn 100 triệu là đủ trả lương cho giảng viên cho một mùa ôn thi cao điểm từ 3-4 tháng. Không cần đến chiêu khảo sát chất lượng học viên đầu vào để chọn “hạt giống” cho các lớp kiểu này. Không bàn đến chất lượng đội ngũ giảng viên. Chỉ cần may mắn vài em thi đậu là đủ có lãi cho các trung tâm có các dịch vụ kiểu này. Mà sĩ tử phải quyết tâm dùi mài kinh sử, cũng như phụ huynh đã chịu chi khoản lớn cho con đi luyện thi như vậy thì họ cũng quyết đốc thúc con em học để đậu đại học cho bằng được. Một cán bộ ngành giáo dục khẳng định, với xu hướng đề thi đại học không đánh đố thí sinh như hiện nay, chỉ cần các em có học lực trung bình - khá, tự ý thức chăm chỉ ôn thi bám sát chương trình sách giáo khoa thôi thì hoàn toàn có thể thi đậu. Có nhiều trường học, ngành học phù hợp với nhiều mức học lực của học sinh nếu các em có quyết tâm và biết tự lượng sức mình. Ông Huỳnh Hưng, Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: trên địa bàn thành phố, hiện chỉ có 9 điểm, gồm 6 trung tâm và 3 cơ sở dạy thêm được Sở cấp giấy phép hoạt động. Các trung tâm, cơ sở muốn được cấp phép phải có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng cả về đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất.Những cơ sở chưa được cấp phép hoạt động không có gì để đảm báo uy tín, chất lượng như quảng cáo. Xử lý nghiêm các trung tâm hoạt động không phép Trao đổi với PV Dân trí ngày 6/4, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng khẳng định các trung tâm, cơ sở đủ điều kiện có thể đăng ký cấp giấy phép hoạt động. Còn các nơi không đủ điều kiện, không được cấp phép thì yêu cầu giải thể, chấm dứt hoạt động. Trong thời gian tới, Sở sẽ có kế hoạch phối hợp lực lượng PA83 - Công an TP Đà Nẵng kiểm tra và xử lý nghiêm các trung tâm, cơ sở dạy thêm, học thêm hoạt động không phép”. |
Khánh Hiền | 9 trung tâm, cơ sở luyện thi được Sở GD-ĐT Đà Nẵng cấp phép (đến ngày 07/04/2012) :1. TT Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Thành Đạt 2. TT Bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân 3. TT Bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Kính Vạn Hoa 4. TT BDKT và LT Nguyễn Hoàng 5. TT BDKT và LT Dân trí 6. TT BDKT và LT Gia Minh 7. Cơ sở BDKT Quang Minh 8. Cơ sở dạy thêm Olympia 9. Các lớp dạy thêm tại cơ sở K23/37 Lê Hữu Trác, Sơn Trà Loạn lò luyện thi đại học “ma” Cập nhật lúc08:26, Thứ Năm, 16/02/2012 (GMT+7) Các “lò” luyện thi có phép và không phép đã tung ra rất nhiều chiêu thức quảng cáo hòng thu hút thí sinh. Điều đáng ngại là “lò” luyện thi thật thì ít, giả thì nhiều, nên thí sinh dễ bị mắc bẫy, chịu cảnh vừa mất công, vừa tốn tiền.  | Mặc dù chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép, nhưng Trung tâm luyện thi M. Ph vẫn quảng cáo chiêu sinh học viên đến luyện thi. |
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, hàng trăm thí sinh ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã đổ xô về thành phố Đà Nẵng tìm chỗ luyện thi đại học (ĐH) cấp tốc. Nhiều “lò” luyện thi không phép Sáng 13-2, trong vai người đi tìm chỗ luyện thi ĐH khối A cho đứa cháu ở Quảng Nam, chúng tôi tìm đến “lò” luyện thi chất lượng cao M.Ph nằm ở con hẻm trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu). “Lò” luyện thi là ngôi nhà ở 2 tầng được cải tạo làm chỗ học. Tiếp chúng tôi, một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi cho biết: “Nếu cháu của em tham gia lớp ôn thi chất lượng cao khối A thì giá mỗi môn học là 300.000 đồng, mỗi tuần học 3 buổi. Còn lớp dạy kèm ĐH khối A, mỗi môn 500.000 đồng, tuần học 3 buổi”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo lắng về chất lượng dạy, người đàn ông này khẳng định: Đội ngũ giáo viên ở đây là những giảng viên của ĐH Đà Nẵng. Khi thấy chúng tôi liếc nhìn dòng chữ trên tấm bảng hiệu quảng cáo “đậu ĐH mới thu học phí”, ông giải thích rằng, với những trường hợp học viên diện này, trung tâm phải kiểm tra đầu vào thì mới biết có chắc chắn đậu hay không (!?). Sáng cùng ngày, chúng tôi đến Sở GD-ĐT để tìm hiểu về nguồn gốc “lò” luyện thi ĐH chất lượng cao M.Ph. Ông Huỳnh Hưng, Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết “lò” luyện thi này chưa hề được Sở cấp giấy phép hoạt động. Dù vậy, chúng tôi được biết, “lò” luyện thi M.Ph đã tổ chức dạy kèm và luyện thi ĐH cho thí sinh hơn một năm qua. Để chiêu dụ được nhiều thí sinh, các “lò” luyện thi ĐH, cao đẳng (CĐ) trên địa bàn thành phố hiện tung ra đủ các chiêu thức quảng cáo như: miễn giảm học phí, đậu ĐH mới thu học phí, đội ngũ giáo viên giảng dạy giàu kinh nghiệm đến từ các trường ĐH, CĐ, bảo đảm đỗ ĐH trên 95%... Nhưng sự thật có đúng như lời quảng cáo kia hay không thì chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, thẩm định. Trái lại, không ít trường hợp thí sinh bị các “lò” luyện thi “ma” ăn chặn học phí. Nguyễn Ngọc Diệp (quê xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) kể: Đầu tháng 2 này, cô ra Đà Nẵng tìm “lò” luyện thi ĐH để ôn tập khối D. Qua nhiều lần lân la tìm hiểu, Diệp tìm đến một “lò” luyện thi ở địa bàn quận Liên Chiểu đăng ký học. Qua 3 buổi học tại đây, Diệp thấy giáo viên dạy nhạt nhẽo, tài liệu ôn (do giáo viên biên soạn) khó hiểu, nên cô đã nghỉ ôn và phải “cắn răng” chịu mất phần trăm học phí đã đóng 3 môn học hơn 200.000 đồng. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Ông Huỳnh Hưng cho biết, đến nay, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng mới chỉ cấp giấy phép cho 9 trung tâm, cơ sở dạy thêm, luyện thi ĐH hoạt động. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 20 trung tâm, cơ sở dạy thêm, luyện thi ĐH không có phép đang hoạt động. Các “lò” luyện thi hoạt động chui thuê mướn giáo viên và sinh viên từ nhiều nơi để tổ chức giảng dạy. Vì vậy, trình độ của người dạy thế nào, chất lượng dạy học ra sao thì chẳng ai biết được. Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, luyện thi ĐH trên địa bàn, trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Sở GD-ĐT đã mời các trung tâm, cơ sở dạy thêm, luyện thi ĐH hoạt động không phép đến làm việc và yêu cầu các đơn vị này lập thủ tục, hồ sơ để Sở cấp giấy phép dạy thêm. Thế nhưng chỉ có vài chủ trung tâm, cơ sở đến nộp hồ sơ xin cấp phép. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định quan điểm của Sở là những cơ sở, trung tâm nào đủ điều kiện thì sẽ cho thành lập để tiếp tục hoạt động. Còn những nơi không đủ điều kiện thì kiên quyết yêu cầu giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. “Trong thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng PA83 Công an thành phố Đà Nẵng kiểm tra, xử lý nghiêm những trung tâm, cơ sở dạy thêm, học thêm hoạt động không phép. Nhưng để ngăn chặn hiệu quả, chính quyền địa phương và người dân khi phát hiện các trung tâm, cơ sở dạy thêm, luyện thi ĐH hoạt động trên địa bàn có dấu hiệu nghi ngờ chưa có giấy phép hoạt động thì báo về Sở GD-ĐT để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý”, ông Chinh cho biết thêm. Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN |