Du Khách Hướng dẫn | Tham quan |

Làng quê, làng nghề Đà Nẵng - êm đềm vùng ven đô

Đà Nẵng như đứa trẻ Phù Đổng đang lớn lên từng ngày với những ngôi nhà cao tầng, những con đường thênh thang gió biển, nhưng vẫn còn đó, sau những tất bật phố phường là những làng quê, làng nghề truyền thống ẩn mình bên những lũy tre vùng ven đô. 

Không ồn ào, không nhộn nhịp, sau màu xanh êm đềm, dịu dàng của cây cỏ, mỗi làng quê, làng nghề là một khúc tâm tình của người Đà Nẵng, là mong ước giữ lại cho đời nét đẹp cổ truyền, những nét đẹp ban sơ, nguồn cội. Đi ra khỏi thành phố, làng cổ Phong Nam, làng cổ Tuý Loan như những mảnh gấm được dệt nên bởi đồng ruộng, những ngõ nhỏ rợp mát bóng tre, đâu đó vẳng tiếng gà gáy trưa nghe thanh bình đến lạ. Trong làng còn giữ lại những mái đình phủ màu thời gian, trải bao thăng trầm lịch sử vẫn còn nguyên một thế giới tâm linh thiêng liêng, thần bí mà cũng gần gũi với hồn người dân quê xứ Quảng.

Mỗi làng quê, làng nghề là một nét rất riêng của mảnh đất Đà Nẵng. Làng đá mỹ nghệ Non Nước với những sản phẩm được người nghệ nhân gọt giũa bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo, tinh xảo, họ thổi tâm hồn mình vào đá, đánh thức giấc ngủ ngàn năm của thiên nhiên để sống với con người. Người làng chiếu Cẩm Nê dệt nên những chiếc chiếu thơm hương đồng cỏ nội, êm như sóng lúa, nâng giấc ngủ của biết bao thế hệ con người. Nếu bạn đến thăm, hãy ghé lại và mang về tấm bánh quà quê của làng làm bánh khô mè Cẩm Lệ, cái thứ bánh giòn xốp, ngọt ngào hương vị đường non của cánh đồng mía bên dòng sông Cẩm Lệ.

Trải qua năm tháng, làng quê, làng nghề Đà Nẵng vẫn giữ cho mình nét hồn hậu, chân chất. Những bậc cao niên, những nghệ nhân vẫn say mê với công việc mà cha ông họ đã truyền lại, rồi lại đến thế hệ con cháu, cứ thế, đời này nối tiếp đời kia, họ sống với nghề không chỉ bởi miếng cơm, tấm áo mà còn vì cái tâm của con người trên mảnh đất đã nuôi sống họ.


Làng đá Non Nước

Có lẽ không ai đến Ngũ Hành Sơn mà không ghé thăm làng mỹ nghệ Non Nước. Đó là một nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp cả nước và cả nước ngoài.

Ông Lê Bền, một nghệ nhân năm nay đã hơn 70 tuổi nói với chúng tôi rằng làng nghề của quê hương ông đã có một lịch sử hàng ba, bốn trăm năm trước. Một vài tấm bia hiện tồn tại ở những ngôi chùa cổ trên đất Quảng Nam đã khẳng định điều đó. Hiện nay, ngay tại thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nổi tiếng vẫn còn nhà thờ 'Thạch nghệ tổ sư', và hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng, các hoạt động giỗ tổ đã diễn ra khá quy mô ở tại làng này.

Một vài vườn tượng tựa lưng vào núi, và vì thế nhờ cảnh quan bên ngoài, họ đã tổ chức một cách rất khéo léo tổng thể không gian nghệ thuật cho vườn tượng của mình. Du khách chắc chắn sẽ rất thú vị và ngạc nhiên trước các tác phẩm bằng đá được trưng bày nơi đây. Những bức tượng trau chuốt, các con vật sinh động, những thức quà nhỏ nhắn, tinh xảo... thuộc những mô tip truyền thống và cả hiện đại nơi đây theo chân khách du lịch đã từng có mặt ở hầu hết khắp nơi trên thế giới.

Từ đất đá vô cảm, người nghệ nhân làng mỹ nghệ Hòa Hải đã thổi vào đó tâm hồn của con người. Dĩ nhiên quá trình này diễn ra ở nhiều công đoạn, và có cả những công đoạn vất vả, nhọc nhằn vô cùng. Niềm hạnh phúc trước một tác phẩm đã thành hình, thái độ ngưỡng mộ của người thưởng thức, và cả những khoản lợi thu được từ công việc đã giúp cho người dân làng nghề mỹ nghệ này ngày càng gắn bó với công việc của mình.

* Một số sản phẩm đá Non Nước




Làng chiếu Cẩm Nê


Cách trung tâm thành Phố Đà Nẵng 14km về phía Tây Nam, làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống. Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn; những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng.Theo lời những vị cao niên của địa phương, nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa; truyền vào miền Nam khoảng từ thế kỉ 15, lúc vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sát nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm, thử thách bởi chiến tranh ly tán, có lúc bị cạnh tranh dữ dội do các loại chiếu nilông ngoại nhập, chiếu hoa Cẩm Nê vẫn âm thầm tồn tại, bền bĩ.

Bằng những nguyên liệu đơn giản như lát (cói), đay và với một khung dệt kết cấu tinh tế, mỹ thuật, nghệ nhân làng Cẩm Nê đã cung cấp cho khắp nơi trong nam, ngoài bắc những tấm chiếu hoa đủ cỡ với những hoa văn trang trí đẹp. ưu điểm của chiếu hoa Cẩm Nê là dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Đặc biệt mùa hè nóng bức, nằm trên chiếu Cẩm Nê sẽ cảm được cái mát lạnh, và vào mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm cùng với mùi hương đồng cỏ nội thơm dịu.

Ngoài làng chiếu hoa Cẩm Nê nằm bên con sông yên thơ mộng, quanh vùng còn có làng nghề nong rổ Yến Nê, làng nón La Bông nổi tiếng.


Làng bánh khô mè Cẩm Lệ

Bánh khô là đặc sắc của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả. Cẩm Lệ ở ngoại ô, cách Đà Nẵng 6 km về hướng Nam, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Làng có 6 lò làm bánh khô mè, hơn 50 lao động, trong đó người đi “tiên phong” là bà Huỳnh Thị Điểu, tên thường gọi là bà Liễu. Bánh khô mè mang nhãn hiệu bà Liễu ngày nay khá nổi tiếng trên thị trường.

Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, 'tắm' đường, 'tắm' mè... bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ, tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Bánh ngon có ruột xốp dòn, đường dẻo, mè rang đủ độ chín thơm, lúc bẻ đường kéo thành sợi tơ vàng mảnh. Bánh khô mè thường được dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ tết.

Hiện nay bánh được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, trong nước và ở nước ngoài.

Làng cổ Phong Nam

Làng Phong Nam thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, gần quốc lộ 1, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía Tây Nam. Đây là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống: đồng lúa xanh ngát được bao quanh bởi những lũy tre, con đường đất quanh năm mát rượi; những ngôi nhà bình dị sinh hoạt của nhà nông đôi khi tưởng chỉ còn trên sách vở.

Làng Phong Nam chiếm một phần lớn địa phận xã Hòa Châu, gồm các thôn Nam Thạnh, Tây An, Đông Hòa, Bàu Cầu. Đến làng Phong Nam, du khách sẽ được tận hưởng cái cảm giác yên bình, tận hưởng mùi hương lúa non thoang thoảng trong làn gió mát, hay tiếng sóng vỗ rì rào ở bến sông của những ngôi làng trữ tình ven sông. Chắc chắn du khách sẽ rất thú vị khi đến thăm một bến nước ở Đông Hòa (Xóm Hến) - xưa từng nổi tiếng với nghề làm hến với câu ca 'Đông Hòa bán hến mua trâu”, một ngôi miếu âm linh u tịnh dưới gốc đa cổ thụ ở bến sông Tây An (Xóm Đùng)....

Trước kia, Phong Nam chỉ là một phần phía nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với một bề dày lịch sử lâu đời. Đó là một vùng đất được khai thác sớm từ thời Chàm. Thời Trần, Lê, Phong Lệ từng là đất huyện lỵ của Điện Bàn. Có nhiều hiện vật Chàm đã được tìm thấy ở địa phận làng Phong Lệ nay vẫn còn được trưng bày ở bảo tàng điêu khắc Chàm - Đà Nẵng.

Phong Lệ là quê hương của Ông Ích Khiêm. Trước kia làng có tên là Đà Ly. Theo như lời các cụ già trong làng kể lại thì cái tên làng Phong Lệ có từ thời Ông ích Khiêm. Tên Đà Ly là tên cổ từ xưa truyền lại. Các cụ cho rằng chữ 'Đà' và 'Ly' viết theo chữ Hán đều có bộ “Mã' (ngựa), không phải là 'mỹ tự”. Đến lúc Ông ích Khiêm là người làng làm quan, có tiếng nói của triều đình, các cụ đã xin đổi tên làng thành Phong Lệ, và giữ chữ Đà Ly cổ truyền làm tên một thôn (nay thuộc thôn Phong Bắc, xã Hòa Thọ). Tên gọi Đà Ly hiện vẫn còn trong trí nhớ của nhiều dân làng và còn lưu lại trong một số giấy tờ, gia phả của các tộc họ trong làng.

Cách đây hơn 100 năm, con sông cầu Đỏ hiện nay chỉ là con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua được và chưa phải là ranh giới của làng. Sau này, người ta gọi phần đất ở phía Nam con sông là Phong Lệ Nam, phần ở phía Bắc là Phong Lệ Bắc, sau nói gọn dần thành Phong Nam và Phong Bắc. Đến khi con sông được chọn làm ranh giới xã thì Phong Nam thuộc vào xã Hòa Châu còn Phong Bắc thuộc vào xã Hòa Thọ. Tuy tách biệt và thuộc vào hai xã khác nhau nhưng dân làng Phong Lệ (Nam và Bắc) vẫn duy trì nhiều sinh hoạt chung - nhất là trong các việc họ, việc làng.

Phong Lệ có đình, chùa, miếu, có nhà thờ tiền hiền của làng và nhiều nhà thờ các tộc họ. Ngày xưa, Phong Lệ còn nổi tiếng với Lễ hội Mục Đồng (ngày hội của trẻ chăn trâu), đây là một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, lễ hội tôn vinh nghề nông và cũng là để cầu cho những vụ mùa sắp đến sẽ bội thu. Ở đây còn nhiều giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu tặng cho làng...

Giá trị hấp dẫn của làng Phong Nam là các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ... trường làng và chợ quê Phong Nam cũng là những điểm thu hút khách nước ngoài.


Làng cổ Túy Loan


Làng Túy Loan nằm về hướng tây nam của thành phố Đà Nẵng. Du khách đi theo quốc lộ 14B khoảng 15km sẽ đến địa phận làng cổ. Dòng sông mang cùng tên làng 'Tuý Loan' uốn lượn, ôm ấp lấy làng. Phong cảnh ở đây rất nên thơ, mộc mạc, hữu tình và tiềm ẩn nhiều điều thú vị.

Làng Tuý Loan đã hình thành trên 500 năm, mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam. Dân làng Tuý Loan đã xây dựng đình làng để thờ các vị tiền hiền, tổ tiên. Đình Tuý Loan và một di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng quốc gia, một địa chỉ nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan hấp dẫn..

Mái đình, cây đa, bến nước... là biểu tượng đặc trưng của làng cổ Việt Nam. Ở đây, làng Tuý Loan có vị trí thuận lợi, là nơi hội tụ giữa đường thủy và đường bộ. Cảnh vật nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc, có dòng sông, bến nước, bãi bờ, làng quê, đồng lúa, cầu qua, chợ búa... Tương truyền Túy Loan xưa phát triển sầm uất, nổi tiếng trù phú, cảnh trên chợ dưới sông tấp nập. Chợ Tuý Loan như là một trung tâm quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, lâm sản từ miền Tây xuống, chiếu, nón, nong rổ Cẩm Nê về...

Nghề làm bánh tráng và mì Quảng ở Tuý Loan nổi tiếng từ xa xưa. Hiện nay còn trên 5 lò bánh, trong đó có lò Bà Tỉnh với nghề gia truyền hơn 40 năm. Để có bánh tráng ngon phải chế biến đủ năm thứ gia vị mắm, muốn, đường, tỏi và mè. Còn để có con mì ngon dẻo, phải chọn ra được gạo 13/2 sản xuất từ vùng đất cát không phèn của xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Pha chế là bí quyết, một nghệ thuật của làng để bánh tráng và mì có hương bị độc đáo mà chẳng nơi nào sánh được. Dân gian đã truyền tụng câu ca rằng:

Tuý Loan trăm thứ đều ngon
Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ !

Ngày nay, Tuý Loan đổi mới phát triển đi lên cùng đất nước nhưng vẫn còn lưu giữ và tôn tạo những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam.

Đình làng Tuý Loan được xây ở vị trí trung tâm, vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) với diện tích trên 110 m2 trong khuôn viên rộng hơn 8.000 m2, thoáng đãng, hướng quay ra sông, nhìn về thế núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê chắc đã có hơn trăm tuổi gây ấn tượng và cảm xúc khó quên.

Tại văn bia đặc trong đình còn có bài ký của Tam giáp tiến sĩ Nguyễn Khuê người huyện Thanh Trì (Hà Nội) ghi lại việc lập đình. Bài ký có đoạn: 'Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói'. Văn bia ở Nhà ngũ tộc trong làng ghi rằng năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470). Năm vị dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Tuý Loan.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, đình làng vẫn còn gần như nguyên vẹn, trang nghiêm, trầm mặc dưới bóng đa cổ thụ và giữa bao các rặng tre làng. Sân đình có xây trụ biểu, bình phong, vẽ các câu đối... rất uy nghi, tôn kính. Hằng năm, đến ngày mồng chín tháng Giêng làng cúng đầu năm và hội làng cũng được tổ chức dịp này với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao bổ ích, vui nhộn như đua thuyền, hát hò khoan đối đáp, thi nướng bánh tráng... thu hút những trai tài, gái sắc, dân làng nhiều nơi và khách thập phương đến dự hội và tham quan. Đến ngày 11-12 tháng 8 âm lịch hằng năm, cả làng lại long trọng thiết lễ tế đình để tỏ lòng biết ơn các vị tiền hiền đã có công khai khẩp lập làng và cầu mong quốc thái dân an.

Khách đến Đà Nẵng, ra Bắc vào Nam hãy ghé lại Tuý Loan, dạo một vòng quanh làng và chợ họp ven sông, thưởng thức hươn vị mì Quảng và bánh tráng, chiêm ngưỡng đình làng và không gian làng cổ, có dịp dự hội làng quý khách sẽ rất thú vị và có ấn tượng khó quên về một làng cổ, một đình làng với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, con người ân tình và nồng hậu, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng.


Dành cho du khách

Bạn muốn thông tin của bạn sẽ xuất hiện ở đây?
Liên hệ:  0905.27.37.22 , admin@webdanang.com

Doanh nghiệp hàng đầu

  • Công ty mộc nệm nội thất Minh Hùng TP.HCM (Sài gòn) - Chuyên đóng ghế salon, sofa, nội thất phòng khách, nhà hàng, khách sạn, cafe, ô tô Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Dịch vụ | Khách hàng | Bản đồ | Liên hệ Kính gửi: Quý khách hàngCông ty mộc nệm nội thất  Minh Hùng  chuyên sản xuất ...
    Được đăng 02:12 22 thg 8, 2012 bởi Đỗ Thế Hiền
  • DNTN Mộc Nệm Thành Tâm TP.HCM - Chuyên Ghế Sofa Phòng khách, Karaoke, Cafe Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Dịch vụ | Khách hàng | Bản đồ | Liên hệ DNTN MỘC NỆM THÀNH TÂM Địa chỉ: 177–179 Đường số 8, Bình Hưng Hòa A ...
    Được đăng 05:38 16 thg 7, 2012 bởi Đỗ Thế Hiền
  • Trường Đại học Đông Á - Dong A University Trường Đại học Đông Á Là một trong ba trường đại học tư thục tại thành phố Đà Nẵng, đại học Đông Á với chặng đường phát triển đi lên ...
    Được đăng 23:40 11 thg 11, 2011 bởi Đỗ Thế Hiền
  • Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Thông tin về công ty cổ phần Hoàng Anh Gia LaiTầm nhìn và sứ mệnh của HAGLLịch sử hình thành và phát triển của tập ...
    Được đăng 14:42 1 thg 3, 2012 bởi Đỗ Thế Hiền
  • Trung tâm Tin học Việt Tin -VIETIN | Giới thiệu | Chương trình đào tạo | Chiêu sinh | Tin tức hoạt động Giới thiệu Trung tâm tin học Việt Tin I. THÔNG TIN CHUNG     Trụ sở Trung tâm Tin học ...
    Được đăng 21:35 7 thg 6, 2012 bởi Đỗ Thế Hiền
  • Cafe Long Đà Nẵng - Long Coffe
    Được đăng 17:57 28 thg 8, 2012 bởi Đỗ Thế Hiền
Hiển thị bài đăng 1 - 6trong tổng số 6. Xem nội dung khác »
 
Comments