Ngày 9/2/ 2010, Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng đã trao tặng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phiên bản tượng thần Ganesa do nghệ sĩ điêu khắc Lê Công Dũng thực hiện. Tượng Ganesa nguyên bản ký hiệu 5.2 bằng chất liệu sa thạch hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tượng được phát hiện tại tháp B3 Mỹ Sơn và được đưa về bảo tàng từ năm 1918. Thần Ganesa được thể hiện qua hình ảnh mình người, đầu voi với chiếc vòi dài, bụng phệ, ở dạng ngồi hoặc đứng. Ở tượng 5.2, thần Ganesa ngồi theo kiểu Ấn Độ, bàn tay trái cầm chén có chạm trỗ những cánh hoa, vòi voi đặt vào miệng chén. Tay phải thần cầm một vật hình trụ, theo thần thoại thì đây có thể là chiếc bút để ghi chép bản trường ca Mahabharata. Thần có mái tóc dài, tết thành nhiều tết xoả xuôi sau lưng. Đeo quanh ngực là dây rắn Naga.
Ganesa được tôn thờ là vị thần thông thái và may mắn, sung túc. Người theo Ấn Độ giáo thường cúng một số lễ vật trước tượng Ganesa mỗi khi bắt đầu một chuyến du hành hoặc khai trương một công việc kinh doanh. Nhiều khách tham quan hâm mộ thần Ganesa và thường muốn chạm tay vuốt ve chiếc vòi hoặc chiếc bụng tròn của thần để cầu may mắn mặc dù điều này không phù hợp với nguyên tắc bảo quản hiện vật nguyên gốc của bảo tàng. Phiên bản Ganesa được thực hiện để phục vụ khách tham quan và khi cần thiết có thể thay thế hiện vật gốc nhằm mục đích bảo quản. Thông thường các phiên bản hiện vật được thực hiện bằng phương tiện rập khuôn để đúc lại. Lần này, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng với các nghệ sĩ và thợ điêu khắc có tay nghề cao đã thử nghiệm việc làm phiên bản theo phương thức đo, nhìn và tạc trực tiếp trên đá sa thạch, có màu sắc và cấu tạo tương tự chất liệu của nguyên bản. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã tặng Giấy khen cho Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng về việc tài trợ và thực hiện phiên bản Ganesa 5.2. |
Đà Nẵng > Du lịch Đà Nẵng > Các điểm tham quan > Văn hóa, nghệ thuật > Bảo tàng Chăm > Tin hoạt động Bảo tàng Chăm >